Xã Suối Giàng thuộc huyện Văn Chấn – Yên Bái, nằm ở độ cao từ 1.500 đến 1.800m so với mực nước biển, khí hậu ôn hòa. Chè Tuyết Shan đã có mặt ở Suối Giàng – Văn Chấn từ lâu. Hiện nay, toàn xã có hàng chục nghìn cây chè cổ thụ hơn 100 tuổi, có cây đến 300 năm tuổi và là một trong những cây chè lâu năm nhất của thế giới còn sót lại.
Từ vùng núi cao trên một ngàn mét
Đó là nơi cây trà Tuyết Shan sinh sống, ngày đêm ngậm sương trong cái tiết trời âm u, quanh năm lạnh lẽo.Thuần khiết như chốn bồng lai nhưng cũng đầy khắc nghiệt, chính ở nơi đó, những cây chè Tuyết Shan thu gom từng chút sinh khí đất trời, bền bỉ bén rễ, đơm hoa kết trái từ hàng trăm năm nay và cho ra đời những búp chè thượng hạng, không chỉ tuyệt ngon mà còn vô cùng tốt cho sức khỏe con người.
Cây chè Tuyết Shan cổ thụ
Người dân địa phương tương truyền, có người tài giỏi huấn luyện được khỉ leo trèo lên hái chè ở vách núi cao cheo leo mà con người không thể tới được. Chè đó thật quý, ai có thể uống thì suốt đời không lo mắc bệnh ngoài da hay đường ruột. Không rõ thực hư tác dụng kỳ diệu của cây chè Tuyết Shan thế nào nhưng hương vị tuyệt vời của nó thì đã được tất cả những người sành trà công nhận khiến tôi lần đầu tiên được thưởng thức không khỏi chút hồi hộp, háo hức.
Pha trà là một nghệ thuật
Vẫn biết thưởng trà là một nghệ thuật tinh tế nhưng chỉ khi được “mục sở thị” tận mắt quy trình pha trà bạn mới có thể thực sự cảm nhận cái thanh tao, ý nhị, đằm thắm trong từng chén trà.
Đầu tiên bạn cần làm nóng các trà cụ bằng cách rưới nước sôi vào ấm trà, chén trà và khay trà. Thao tác này giúp cho ấm trà khi pha giữ được nhiệt độ cao nhất.
Sau đó là bước tráng trà hay còn gọi một cách thi vị là đánh thức trà. Cho trà vào ấm một lượng vừa đủ, rót nước ngập mặt trà, xoay nhẹ ấm trà rồi đổ hết chỗ nước tráng đó ra khay. Hãy để ý mà xem, lúc này từng cánh chè đã nở bung ra, ngậm nước vừa đủ để đánh thức khỏi giấc ngủ miên man của quá trình sao trà.
Bước cuối cùng là rót nước vào ấm, đậy nắp lại và tiếp tục rưới thêm một lượt nước sôi lên nắp ấm trà để duy trì nhiệt độ, giúp trà nhanh chín và cũng để trà không bị bay hết hương. Chú ý là Khi pha không nên pha quá nhiều nước mà chỉ nên pha sao cho khi rót một lần là hết nước. Muốn uống nữa, rót tiếp nước sôi. Làm như vậy để trà khỏi chín nhừ không mất đi hương vị, lại tránh bị nồng.
Bây giờ chỉ việc rót trà ra chén để mời bạn cùng thưởng thức thôi, nhưng cũng cần lưu ý một điểm đó là khi rót trà, chỉ rót mỗi chén một ít. Khi xong lượt đầu sẽ rót tiếp lượt hai. Như vậy sẽ không có chén nào nước bị loãng quá hoặc đặc quá. Nào, hãy cùng cảm nhận!
Người thưởng trà cũng là nghệ sĩ
Nâng chén trà ngang miệng đã thấy mùi thơm ngào ngạt sông vào mũi. Màu vàng sóng sánh, âm ấm bàn tay như thể mình đang nâng niu chén tinh hoa đất trời. Nhấp một ngụm trà, không thấy vị chát, chỉ đọng lại vị mát, mùi hương càng nồng nàn, cuối cùng là cái dư âm ngọt ngào cứ đọng mãi khi nuốt nước miếng, tưởng như mãi không phai.
Nhưng có lẽ tôi không nên nói quá nhiều về hương vị của thứ trà tuyệt hảo này vì thưởng trà còn tùy thuộc vào tâm trạng, thói quen, vị giác riêng của mỗi người. Bởi vậy mà người ta vẫn nói, mỗi lần thưởng trà, dù cùng một loại cũng mang đến cho ẩm khách những cảm nhận luôn khác nhau. Ẩm khách lúc này như thoắt biến thành người nghệ sĩ đầy ngẫu hứng, tha hồ sáng tạo và cảm nhận theo cách riêng của mình.
Sau đây là một số đặc điểm nhận dạng giúp bạn phân biệt trà Tuyết Shan trứ danh với các loại trà khác.
Búp trà to màu trắng xám nhìn như được phủ một lớp lông tơ mỏng như tuyết. Trà khi đã được sao lên, sấy khô mà ta vẫn thấy những đốm lấm tấm trắng như tuyết chứ không có mầu đen tuyền như những loại trà khác. Chính bởi vậy mà trà mới có tên là trà Tuyết Shan . Trà có hương thơm tự nhiên, không lẫn mùi tạp chất.
Nước trà màu vàng đượm như màu mật ong rừng chứ ko xanh như màu các loại trà khác. Sau khi uống vị ngọt đượm cảm nhận được vị của trà rất lâu như hương của núi rừng tan dần trong miệng.
Vậy còn chần chừ gì nữa, hãy một lần pha trà, thưởng trà và cảm nhận hương vị độc đáo mà khó quên của trà Tuyết Shan đi nào .
ST: amthuc365