Tìm hiểu về chè shan tuyết cổ thụ suối giàng

Câu thành ngữ “Chè Thái, gái Tuyên” không biết có từ bao giờ nhưng đến nay đã trở thành câu cửa miệng của dân ta mỗi khi nhắc đến Chè xứ Thái và con gái xứ Tuyên. Không mang hương vị “tiền chát hậu ngọt” như những búp Chè Thái Nguyên nhưng khi bạn là một du khách chót lữ hành vào vùng đất Yên Bái thì cũng sẽ không quên được dư vị của những búp Tuyết shan Cổ Thụ Trà Suối Giàng nơi đây:

“Chè Suối Giàng nay bốn vụ đều

Mùa xuân lông tuyết búp non thêu

Trông như loáng bạc trên sườn núi

Ngắt lộc, cô Mèo vòng bạc đeo”

(Xuân Diệu)

15107352_10202459294480212_2663299670228191888_n

Vốn được tạo hóa cố định sẵn, nằm trên độ cao gần 1400m, với khí hậu ôn hòa, mát mẻ, Suối Giàng (một xã vùng cao thuộc huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) là một điểm đến phù hợp cho du khách đên nghỉ dưỡng và tham quan. Ở nơi đây, ngay chính cái tên “Suối Giàng” cũng mang một ý nghĩa nhân sinh sâu sắc là tượng trưng cho “suối của trời”. Đến với Suối Giàng, ta sẽ mê mẩn với những khung cảnh thiên nhiên sườn núi, vòng quanh các vách đá kỳ thú, các tán rừng nguyên sinh cheo leo mà nên thơ. Vượt qua những cảnh thiên nhiên ấy, ta bắt gặp một rừng chè đại thụ hiện ra trước mắt. Với những chỉ dẫn của những người H’Mong- những người tìm ra vùng đất này, đặt tên và sinh sống ở mảnh đất này bao nhiêu năm- rừng chè Cổ thụ với những cây chè trên 200 năm gốc xù xì, trắng mốc, mọc treo leo thoắt ẩn, thoắt hiện trong sương núi, trong bồng bềnh mây trôi của xứ rừng Suối Giàng. Những người mà theo truyền thuyết của họ đã được “Giàng” sai tiên nữ gieo xuống đó những hạt mà hạt ấy nẩy mầm và mọc thành cây xanh tốt, tán cây càng lớn càng rộng, lá cây to bằng nửa bàn tay xanh ngăn ngắt, búp cây ngậm sương trắng như tuyết. Đến ngày nay, những cây con ấy đã trở thành những cây cổ thụ với những mầm chè trồi lên vươn mình bật tung khỏi thân cây xù xì, trắng mốc để hứng gió ngậm những sương linh khí của đất trời. Những búp chè hội tụ linh khí: nắng- mưa- sương- gió tạo nên một búp chè mà khi đưa lên miệng: từng vị đắng, vị chát, vị ngọt, vị bùi cứ lần lượt thấm vào lưỡi rồi để lại một vị ngọt thanh mát, sâu lắng nơi cổ họng như một món “báu vật rừng xanh”.

15027645_10202450619023331_8714327290281742562_n

Những búp chè ấy được đặt một cái tên đặc biệt “ Trà Shan Tuyết”. Chiết khúc hán tự mới thấy được cái hay của hai tiếng “Shan Tuyết”: “Shan” là đọc chệch của Sơn- theo nghĩa Hán Việt là núi, nếu như chữ “Shan” đánh dấu nơi loại chè này ra đời, sinh sống và phát triển thì  “Tuyết” lại chính là nét đặc trưng của cây chè. Hầu hết các loại chè đều mang tên chè là nơi cây chè sinh trưởng thì tên Chè Shan Tuyết lại là tên gọi của một loại chè trên núi và chữ “Tuyết” ở đây cũng không mang hàm nghĩa là chè trên núi Tuyết. Chữ “Tuyết” chính là nét đặc trưng đánh dấu sự khác biệt của loại chè nơi Suối Giàng: là những búp chè được ngậm sương, trên bề mặt búp phủ một lớp óng ánh bạc như tuyết và chỉ nơi này- trên độ cao này mới có sự kì diệu đó của tạo hóa. Những lớp bạc như nhũ bạc phủ trên tôm này mới đích thị là “tuyết chè”- chè ngon nhiều hay ít phụ thuộc hoàn toàn vào lớp tuyết này. Để hái được chè với lớp tuyết đẹp như thế này cũng là một kỳ công chứ không phải cứ hái là được “tuyết chè”.

15036267_10202450619263337_8591202602018294347_n

Chè Shan Tuyết có thể pha đến 7 lần nước mà vị Chè vẫn còn đượm: khi pha ra nước Chè có màu chỉ phơn phớt vàng như mật ong, nước Chè sánh, trên bề mặt nước có vương một chút “tuyết” của Chè; nhấp một ngụm Chè, người tinh ý có thể nhận thấy đủ các vị: chát, ngọt, ngậy lưu mãi nơi đầu lưỡi; đến lúc Chè đậm hương nồng  thì thấy nước vàng sậm hơn, mang hương vị ngọt ngào của mật ong rừng; vị ngọt của Chè đọng lại trong miệng rất lâu  như hương núi rừng tan dần trong miệng. Khi để nguội Chè dần ngả từ màu xanh sang màu vàng mật. Đây là loại chè “cực ngon” bởi được tuyển lựa cực kỳ kỹ lưỡng, chỉ chọn búp non duy nhất (gọi là một tôm), búp phải mẩy, căng, đậm tuyết, và gọi là “cực sạch” bởi trên độ cao gần 1.400m, chè shan tuyết Suối Giàng không hề bị phai tạp bởi bàn tay con người. Vẻ đẹp lão trượng dạn dày sương gió của cây chè núi cao dị ứng với tất cả những can thiệp của con người, chỉ có đất trời sương giá “miền thượng giới” nuôi búp chè bừng thức.

Trà Shan Tuyết Cổ Thụ Suối Giàng – Yên Bái được chế biến rất công phu. Củi dùng để sao chè nhất định phải là loại củi đã được phơi khô cháy đượm. Khi sao chè, người sao phải luôn hơ tay trần vào chảo nóng để ước lượng nhiệt độ. Trong quá trình sao lửa lúc nào cũng phải liu riu thật đều. Khi chè sao xong được đưa ra vò bằng tay, trong quá trình vò người làm phải khéo léo để Chè không bị nát, không làm mất hương và làm rơi hết những tuyết trắng còn bám trên búp Chè. Thành phẩm cuối cùng là những búp Chè săn lại bằng hạt đỗ xanh, tuyết phủ trắng, mang trong mình sự tinh túy của núi ngàn Tây Bắc.

tra-tuyet-350x435

Từ Suối Giàng, Chè Shan Tuyết suối Giàng tỏa đi khắp nơi và vang danh là thứ Chè đặc sản. Thế nhưng, nếu có dịp đến vùng danh Chè này, quây quần cùng đồng bào dân tộc Mông thưởng thức Chè Shan Tuyết mới hiểu hết giá trị bản sắc văn hóa của họ. Người Mông ở vùng chè cổ Suối Giàng quan niệm rằng, chè là một thứ thần dược, họ gọi cây chè là sùa ziề, sùa là cây thuốc, ziề là chè. Trong các vùng chè Shan tuyết cổ hiện nay, duy nhất người Mông ở Suối Giàng có nét văn hóa độc đáo là cúng Chè vào vụ đầu tiên của năm mới- lễ cũng được thực hiện ngay dưới gốc cây chè cổ nhất đã 400 năm tuổi.

Suối Giàng bốn mùa bồng bềnh trong mây: “Uống chén thứ nhất thấy thân thể khỏe ra, uống chén thứ hai thấy quá khứ hiện về, uống chén thứ ba thấy có thể thông cảm được với các vị tiền bối, uống chén thứ tư thấy gió thổi lất phất ở hai bên tai, cho nên không thể uống thêm chén thứ năm được nữa” (Lê Qúy Đôn).

Trà Shan Tuyết