Khám phá rừng chè Shan Tuyết cổ thụ
Chè Tuyết Shan ở đâu ?
Suối Giàng là một xã vùng cao thuộc huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Nằm trên độ cao gần 1400m, với khí hậu ôn hòa, mát mẻ phù hợp cho du khách đên nghỉ dưỡng và tham quan. Nhưng những du khách đến đây điều mà họ không thể không thưởng thức đó là hương vị của chè Shan Tuyết.
Truyền thuyết cây chè Shan Tuyết Suối Giàng.
Người dân tộc H’Mong truyền tai nhau về một nơi mà đã từ lâu lắm rồi, khi còn là vùng đất hoang sơ quanh năm mây mù bao phủ. Vào một ngày sớm, khi những giọt sương còn vương trên tán cây, ngọn cỏ, mọi sự vật còn chìm trong dư âm của đất trời, giữa mờ ảo xuất hiện một nàng là tiên nữ, nàng bay đến từ phương bắc và gieo một loại hạt xuống vùng đất này. Chẳng bao lâu những hạt ấy nẩy mầm và mọc thành cây xanh tốt, tán cây càng lớn càng rộng, lá cây to bằng nửa bàn tay xanh ngăn ngắt, búp cây ngậm sương trắng như tuyết. Khi ấy có một nhóm người H’Mong di cư đến đây, do loạn lạc đường xa, thiếu cái ăn thức uống lại bị bệnh sốt rét hoành hành, thấy cây xanh tốt lại mọc giữa chốn non cao, họ liền hái lá cây ăn và kì lạ thay, sau khi ăn xong họ thấy tỉnh táo lạ thường. Thấy vậy họ liền lấy lá cây đun với nước suối uống,cứ như vậy ngày này qua ngày khác, chẳng mấy mà tất thảy mọi người đều hết sốt và khỏe khoắn trở lại. Cho là có trời cứu giúp, cả đoàn người quyết định ở lại đây với loài cây lạ và đặt tên nơi này là “Suối Giàng” – tức suối của trời. Địa danh Suối Giàng bắt đầu từ đây.
Nằm ở độ cao gần 1400m so với mực nước biển. Suối Giàng thực sự là một điểm đến hấp dẫn cho những ai yêu chè và ham mê khám phá. Nơi đây được thiên nhiên ban tặng một khí hậu mát mẻ quanh năm tựa như một Sapa hay Đà Lạt. Vượt qua 12km đường mới mở treo leo trên các sườn núi, vòng quanh các vách đá kỳ thú, các tán rừng nguyên sinh chúng tôi đã đến được trung tâm của Suối Giàng. Theo hướng dẫn của bà con nơi đây, chúng tôi tiếp tục bám theo vách núi đi thêm 2km để đến được rừng với chè Cổ thụ.
Ngước mắt lên nhìn các sườn núi, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi cả một rừng chè đại thụ hiện ra trước mắt. Rừng chè Cổ thụ có tới hàng hàng ngàn cây với tuổi đời trên 200 tuổi. Những gốc xù xì, trắng mốc, mọc treo leo thoắt ẩn, thoắt hiện trong sương núi, trong bồng bềnh mây trôi. Nhờ sự chỉ dẫn của thiếu nữ H’Mong, chúng tôi tìm đến cây chè được cho là đại thụ nhất còn sống của rừng chè nơi đây. Theo lời kể thì tuổi đời của cây vào khoảng 400 tuổi. Cây có thân to hai người ôm mới hết, tán rộng, lá to và xanh biếc. Đặc biệt có những mầm chè trồi lên vươn mình bật tung khỏi thân cây xù xì, trắng mốc để hứng gió ngậm sương trắng như tuyết. Ngắt một búp chè đưa lên miệng, từng vị đắng, vị chát, vị ngọt, vị bùi cứ lần lượt thấm vào lưỡi rồi để lại một vị ngọt thanh mát, sâu lắng nơi cổ họng tôi mới hiểu được thế nào là báu vật rừng xanh.
Đến với rừng chè Suối Giàng, đứng ngay dưới những tán chè đại thụ, được ngắm và cảm nhận sức sống mãnh liệt của những búp chè Shan Tuyết , được tận hưởng sự tinh khiết của đất trời và rừng chè nơi đây tôi đã thực sự cảm thấy sung sướng và phần nào được mãn nguyện.
Tuy nhiên, cũng tại nơi đây vẫn đang tồn tại những hình ảnh khiến tôi băn khoăn, trăn trở. Nếu ai đã từng đến vùng chè Shan Tuyết cổ thụ Suối Giàng. Chắc chắn bạn sẽ thấy những hình ảnh trù phú của một thôn quê yêu lao động. Từ đường xá, trường học, các ngôi nhà khang trang đến hình ảnh các em nhỏ tung tăng đến trường. Nhưng ở Suối Giàng lại là những hình ảnh hoàn toàn đối lập. Những vách nhà nghèo đơn sơ, những đứa trẻ nhem nhuốc cặm cúi hái chè, những bà mẹ thất thểu tay bồng, tay bế… Tôi tự hỏi: Tại sao giữa một rừng chè Shan Tuyết Cổ thụ được ví như “báu vật” trời xanh lại còn hiện hữu những hình ảnh đầy thương cảm này?
Đàm Quang